Cưỡng chế quyết định áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả


Bạn Vy Văn Chuyên có hỏi: Hiện nay ở huyện tôi đang xử lý vụ việc vi phạm hành chính trong lĩnh vực nuôi trồng thủy sản. Do đã hết thời hiệu xử phạt nên Chủ tịch UBND huyện chỉ ra quyết định áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả theo quy định tại Điều 6 Luật XLVPHC. Cá nhân vi phạm không thực hiện quyết định áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả nên Chủ tịch UBND huyện đã ra quyết định cưỡng chế buộc thực hiện quyết định áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả. Tuy nhiên, từ khi ban hành quyết định cưỡng chế buộc thực hiện quyết định áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả đến nay đã 02 năm nhưng người vi phạm chưa thi hành biện pháp khắc phục hậu quả và người có thẩm quyền chưa tiến hành cưỡng chế theo quyết định cưỡng chế. Vậy cho tôi hỏi, bây giờ có cần hủy quyết định áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả không? Hay chỉ cần hủy quyết định cưỡng chế để ra quyết định cưỡng chế mới? Hay có hướng giải quyết nào khác?
 
 
Bạn xem thêm bài viết:
⇒ Áp dụng biểu mẫu trong cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính
⇒ Trường hợp đã bị xử phạt vi phạm hành chính

Bạn có thể tham khảo câu trả lời nhu sau:
Điểm b khoản 2 Điều 28 Luật xử lý vi phạm hành chính năm 2012 quy định nguyên tắc áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả như sau: “Biện pháp khắc phục hậu quả được áp dụng độc lập trong trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 65 của Luật này”.
Khoản 2 Điều 65 Luật xử lý vi phạm hành chính năm 2012 quy định: “Đối với trường hợp quy định tại các điểm a, b, c và d khoản 1 Điều này, người có thẩm quyền không ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính nhưng có thể ra quyết định tịch thu sung vào ngân sách nhà nước hoặc tiêu hủy tang vật vi phạm hành chính thuộc loại cấm lưu hành và áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả quy định tại khoản 1 Điều 28 của Luật này”.
Khoản 1 Điều 74 Luật xử lý vi phạm hành chính năm 2012 quy định: “Thời hiệu thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính là 01 năm, kể từ ngày ra quyết định, quá thời hạn này thì không thi hành quyết định đó nữa, trừ trường hợp quyết định xử phạt có hình thức xử phạt tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính, áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả thì vẫn phải tịch thu tang vật, phương tiện thuộc loại cấm lưu hành, áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả trong trường hợp cần thiết để bảo vệ môi trường, bảo đảm giao thông, xây dựng và an ninh trật tự, an toàn xã hội”.
Căn cứ vào các quy định nêu trên có thể thấy, việc áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả không áp dụng quy định về thời hiệu thi hành và không bị giới hạn thời gian cụ thể thi hành quyết định. Đối tượng bị áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả có trách nhiệm phải thi hành biện pháp khắc phục hậu quả ghi trong quyết định cho đến khi thi hành xong. Trường hợp đối tượng bị áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả không tự nguyện chấp hành thì sẽ bị cưỡng chế thực hiện cho đến khi thực hiện xong các biện pháp được ghi trong quyết định.
Như vậy, đối chiếu với trường hợp đã nêu, Chủ tịch UBND huyện cần tiếp tục tổ chức cưỡng chế thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả theo quyết định cưỡng chế đã ban hành mà không tiến hành hủy quyết định áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả cũng như quyết định cưỡng chế đã ban hành để ra quyết định cưỡng chế mới.
Lưu ý, việc chậm trễ tổ chức thi hành quyết định áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả và quyết định cưỡng chế buộc thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả sẽ bị xem xét, xử lý trách nhiệm theo quy định của pháp luật.

Chúc bạn thành công !

Các tin cũ hơn