Mua bán tài sản đang được thế chấp tại ngân hàng


Bạn Đỗ Minh Thắng có hỏi: Tôi có bán cho a H một chiếc xe, nhưng chiếc xe đó đang được thế chấp tại ngân hàng. 2 bên đồng ý thoả thuận là a H sẽ thay tôi trả nợ cho ngân hàng. Ngân hàng không biết về việc mua bán xe và thỏa thuận nêu trên. Một thời gian sau, anh H bỏ trốn, tôi phải đứng ra trả nợ cho ngân hàng hàng tháng, còn xe của tôi thì a H chạy đâu tôi không biết. Vậy, tôi phải làm sao?

Bạn xem thêm bài viết:

⇒ Đăng ký Biện pháp bảo đảm theo Khoản 1 Điều 23 Nghị định 102/2017
⇒ Sử dụng Mẫu Phiếu yêu cầu đăng ký thế chấp theo Thông tư số 07/2019/TT-BTP
⇒ Hiệu lực của di chúc chung vợ chồng
⇒ Tài sản bị tịch thu là tài sản đang thế chấp ngân hàng thì xử lý như thế nào

Bạn có thể tham khảo câu trả lời sau:
1. Về việc thỏa thuận chuyển giao nghĩa vụ trả nợ
Điều 370 Bộ luật dân sự năm 2015 quy định:
1. Bên có nghĩa vụ có thể chuyển giao nghĩa vụ cho người thế nghĩa vụ nếu được bên có quyền đồng ý, trừ trường hợp nghĩa vụ gắn liền với nhân thân của bên có nghĩa vụ hoặc pháp luật có quy định không được chuyển giao nghĩa vụ.
2. Khi được chuyển giao nghĩa vụ thì người thế nghĩa vụ trở thành bên có nghĩa vụ”.
Như vậy, theo quy định trên, trong trường hợp bạn là người có nghĩa vụ trả nợ cho ngân hàng, bạn muốn chuyển giao nghĩa vụ này cho anh H thì việc chuyển giao phải được ngân hàng đồng ý. Tuy nhiên, theo thông tin mà bạn nêu, ngân hàng không biết về việc thỏa thuận chuyển giao nghĩa vụ này, do đó, việc chuyển giao nghĩa vụ giữa bạn và anh H không được công nhận, theo đó, anh H không phải là bên có nghĩa vụ trả nợ cho ngân hàng.
2. Về việc mua bán chiếc xe đang được thế chấp tại ngân hàng
Khoản 8 Điều 320 Bộ luật dân sự năm 2015 quy định về nghĩa vụ của bên thế chấp như sau: “Không được bán, thay thế, trao đổi, tặng cho tài sản thế chấp, trừ trường hợp quy định tại khoản 4 và khoản 5 Điều 321 của Bộ luật này”.
Mặt khác, khoản 5 Điều 321 Bộ luật dân sự năm 2015 quy định về quyền của bên thế chấp: “Được bán, trao đổi, tặng cho tài sản thế chấp không phải là hàng hóa luân chuyển trong quá trình sản xuất, kinh doanh, nếu được bên nhận thế chấp đồng ý hoặc theo quy định của luật”.
Đối chiếu các quy định trên với trường hợp của bạn, việc bạn tự ý bán chiếc xe đã được thế chấp tại ngân hàng khi chưa được bên nhận thế chấp là ngân hàng đồng ý thì bạn đã vi phạm nghĩa vụ của bên thế chấp theo quy định của pháp luật, đồng thời, giao dịch mua bán chiếc xe đó giữa bạn và anh H là giao dịch vô hiệu.
3. Điều 131 Bộ luật dân sự năm 2015 quy định hậu quả pháp lý của giao dịch dân sự vô hiệu như sau:
1. Giao dịch dân sự vô hiệu không làm phát sinh, thay đổi, chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự của các bên kể từ thời điểm giao dịch được xác lập.
2. Khi giao dịch dân sự vô hiệu thì các bên khôi phục lại tình trạng ban đầu, hoàn trả cho nhau những gì đã nhận.
Trường hợp không thể hoàn trả được bằng hiện vật thì trị giá thành tiền để hoàn trả.
3. Bên ngay tình trong việc thu hoa lợi, lợi tức không phải hoàn trả lại hoa lợi, lợi tức đó.
4. Bên có lỗi gây thiệt hại thì phải bồi thường”.
Như đã phân tích ở trên, đối với trường hợp của bạn, giao dịch mua bán chiếc xe đang được thế chấp tại ngân hàng giữa bạn và anh H là giao dịch dân sự vô hiệu. Bạn có quyền yêu cầu anh H hoàn trả lại những gì đã nhận, khôi phục lại tình trạng ban đầu. Ngoài ra, bạn cũng có thể yêu cầu Tòa án tuyên bố giao dịch dân sự trên vô hiệu theo quy định của pháp luật.
 
Chúc bạn thành công !

Các tin cũ hơn