Quyền khởi kiện của người có quyền, lợi ích hợp pháp bị xâm hại trực tiếp bởi quyết định hành chính, hành vi hành chính


Bạn Luong Ngoc Lam có hỏi: Người không phải là đối tượng chịu sự tác động trực tiếp của quyết định hành chính, hành vi hành chính nhưng có quyền, lợi ích hợp pháp bị xâm hại trực tiếp bởi quyết định hành chính, hành vi hành chính thì có quyền khởi kiện vụ án hành chính không?
 
Bạn có thể tham khảo gợi ý của chúng tôi:
 
Khoản 2 và khoản 4 Điều 3 Luật tố tụng hành chính năm 2015 quy định:
 
"2. Quyết định hành chính bị kiện là quyết định quy định tại khoản 1 Điều này mà quyết định đó làm phát sinh, thay đổi, hạn chế, chấm dứt quyền, lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân hoặc có nội dung làm phát sinh nghĩa vụ, ảnh hưởng đến quyền, lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân.
 
4. Hành vị hành chính bị kiện là hành vi quy định tại Khoản 3 Điều này mà hành vi đó làm ảnh hưởng đến việc thực hiện quyền, lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân".
 
Khoản 8 Điều 3 Luật tố tụng hành chính năm 2015 quy định: "Người khởi kiện là cơ quan, tổ chức, cá nhân khởi kiện vụ án hành chính đối với quyết định hành chính, hành vi hành chính...".
 
Khoản 1 Điều 115 Luật tố tụng hành chính năm 2015 quy định: "Cơ quan, tổ chức, cá nhân có quyền khởi kiện vụ án đối với quyết định hành chính, hành vi hành chính... trong trường hợp không đồng ý với quyết định, hành vi đó hoặc đã khiếu nại với người có thẩm quyền giải quyết, nhưng hết thời hạn giải quyết theo quy định của pháp luật mà khiếu nại không được giải quyết hoặc đã được giải quyết nhưng không đồng ý với việc giải quyết khiếu nại về quyết định, hành vi đó".
 
Tham khảo Điều 12 Nghị quyết số 02/2011/NQ-HĐTP có hướng dẫn cụ thể về thời hiệu khởi kiện vụ án hành chính đối với cá nhân, cơ quan, tổ chức không phải là đối tượng bị tác động trực tiếp bởi quyết định hành chính và không được nhận quyết định hành chính hoặc không được chứng kiến/không được thông báo về hành vi hành chính nhưng bị xâm hại trực tiếp quyền, lợi ích hợp pháp bởi quyết định hành chính, hành vi hành chính đó (tại điểm b và điểm c khoản 1), trong đó có nêu một số ví dụ cụ thể như sau:
 
“Ví dụ: Sau khi được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, ông N đã tiến hành xây tường bao diện tích đất 150m2 đó. Ông Q là hàng xóm của ông N cho rằng ông N đã xây tường bao lên cả phần diện tích đất của ông Q. Ngày 28/7/2011, ông N đã đưa cho ông Q xem giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cấp cho ông N và ông Q thấy rằng một phần diện tích đất mà ông N được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất là phần diện tích đất của ông Q. Trong trường hợp này, thời điểm bắt đầu tính thời hiệu khởi kiện của ông Q đối với Quyết định số 19/QĐ-UBND ngày 10/02/2011 của Ủy ban nhân dân quận B là kể từ ngày ông Q biết được quyết định đó (ngày 28/7/2011).
 
Ví dụ: Ông T có căn nhà ở cạnh nhà của ông H đã bị cưỡng chế tháo dỡ và trong thời gian cưỡng chế tháo dỡ nhà ở của ông H thì ông T đi công tác nước ngoài. Ngày 15/7/2011, ông T mới đi công tác về và thấy tường nhà mình bị rạn nứt và được hàng xóm kể lại là nhà ông H đã bị cưỡng chế tháo dỡ. Nếu ông T khởi kiện hành vi hành chính tháo dỡ nhà ở xây dựng trái phép đã xâm phạm đến quyền, lợi ích hợp pháp của ông thì thời điểm bắt đầu tính thời hiệu khởi kiện của ông T đối với hành vi tháo dỡ nhà ở xây dựng trái phép đó là kể từ ngày ông T được kể lại về việc thực hiện hành vi cưỡng chế tháo dỡ nhà ở của ông H (ngày 15/7/2011)”.
 
Từ các quy định trên, người không phải là đối tượng của quyết định hành chính, hành vi hành chính nhưng có quyền, lợi ích hợp pháp bị xâm hại trực tiếp bởi quyết định hành chính, hành vị hành chính thì cũng có quyền khởi kiện vụ án hành chính.
 
Chúc bạn thành công !

 

Các tin cũ hơn