Tình tiết khi tiến hành điều tra, truy tố hoặc xét xử, do có sự thay đổi chính sách, pháp luật làm cho hành vi phạm tội không còn nguy hiểm cho xã hội nữa


Bạn Tran Van Thiet có hỏi: Tình tiết “khi tiến hành điều tra, truy tố hoặc xét xử, do có sự thay đổi chính sách, pháp luật làm cho hành vi phạm tội không còn nguy hiểm cho xã hội nữa” quy định tại điểm a khoản 1 Điều 29 Bộ luật hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) được hiểu như thế nào?

Bạn xem thêm bài viết:

⇒ Thay đổi kháng nghị phúc thẩm của Viện kiểm sát
⇒ Thời điểm đương sự được cung cấp, giao nộp tài liệu, chứng cứ cho Tòa án
⇒ Khó khăn khi không áp dụng biện pháp tạm giam

Bạn có thể tham khảo gợi ý dưới đây:

Tình tiết “khi tiến hành điều tra, truy tố hoặc xét xử, do có sự thay đổi chính sách, pháp luật làm cho hành vi phạm tội không còn nguy hiểm cho xã hội nữa” quy định tại điểm a khoản 1 Điều 29 Bộ luật hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) được hiểu như sau: tại thời điểm thực hiện hành vi theo quy định của Bộ luật hình sự thì hành vi đó là tội phạm nhưng khi tiến hành điều tra, truy tố, xét xử do có sự thay đổi của chính sách, pháp luật (pháp luật hình sự, pháp luật chuyên ngành khác có liên quan...) làm cho hành vi đó không còn nguy hiểm cho xã hội nữa. “Không còn nguy hiểm cho xã hội nữa” cần được hiểu là không còn nguy hiểm cho xã hội đến mức phải truy cứu trách nhiệm hình sự nhưng vẫn có thể bị xử lý trách nhiệm theo quy định của pháp luật khác như trách nhiệm hành chính, trách nhiệm dân sự...
 
Ví dụ 1: Bộ luật hình sự đã xóa bỏ tội danh mà người phạm tội đã thực hiện; hoặc Bộ luật hình sự hoặc các văn bản hướng dẫn thi hành đã được sửa đổi làm thay đổi các yếu tố của cấu thành của một tội phạm, không coi là tội phạm đối với một số hành vi có tính nguy hiểm cho xã hội không lớn (như hành vi sử dụng trái phép chất ma tuý...).
 
Ví dụ 2:Về hành vi sản xuất, buôn bán, tàng trữ, vận chuyển pháo nổ: 
 
Trước khi Luật Đầu tư năm 2014 có hiệu lực (trước ngày 01/7/2015) thì hành vi này bị xử lý về Tội sản xuất, tàng trữ, vận chuyển, buôn bán hàng cấm theo quy định tại Điều 155 Bộ luật hình sự năm 1999 vì Nghị định số 59/2006/NĐ-CP đã quy định các loại pháo thuộc danh mục hàng hóa cấm kinh doanh. Nhưng Luật Đầu tư năm 2014 không quy định kinh doanh pháo nổ là ngành nghề cấm kinh doanh như Nghị định số 59/2006/NĐ-CP, do đó, hành vi này không bị xử lý về Tội sản xuất, tàng trữ, vận chuyển, buôn bán hàng cấm theo quy định tại Điều 155 Bộ luật hình sự năm 1999. 
 
Tuy nhiên, theo quy định tại Luật sửa đổi, bổ sung Điều 6 và Phụ lục 4 về danh mục ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện của Luật Đầu tư thì từ 01/01/2017, kinh doanh pháo nổ được coi là ngành, nghề cấm đầu tư kinh doanh và hành vi này bị xử lý về Tội sản xuất, tàng trữ, vận chuyển, buôn bán hàng cấm theo quy định tại Điều 155 Bộ luật hình sự năm 1999. Và theo quy định của Bộ luật hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) thì từ 01/01/2018, hành vi nêu trên sẽ bị xử lý về Tội sản xuất, buôn bán hàng cấm theo quy định tại Điều 190 Bộ luật hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) hoặc Tội tàng trữ, vận chuyển hàng cấm theo quy định tại Điều 191 Bộ luật hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017). 
 
Như vậy, do Luật Đầu tư năm 2014 (luật chuyên ngành) không quy định pháo nổ là hàng cấm nữa nên trong giai đoạn trước khi có Luật sửa đổi, bổ sung Điều 6 và Phụ lục 4 về danh mục ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện của Luật Đầu tư và Bộ luật hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) (từ 01/7/2015 đến 01/01/2017) thì không thể xử lý hình sự đối với hành vi sản xuất, buôn bán, tàng trữ, vận chuyển pháo nổ.
 
Thân Ái !

Các tin cũ hơn