Trường hợp đã bị xử phạt vi phạm hành chính


Bạn Hà Thị Hiên ở TPHCM có hỏi: Trường hợp người có thẩm quyền không ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính vì một số lý do theo luật định mà chỉ ban hành quyết định áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả độc lập thì có được xem là đã bị xử phạt vi phạm hành chính để xác định tái phạm không?
 
 
Bạn xem thêm bài viết:

⇒ Xử lý vi phạm hành chính về hành vi sản xuất, mua, bán trái phép đồ chơi nguy hiểm
⇒ Đối tượng vi phạm hành chính không có mặt tại nơi vi phạm
⇒ Trường hợp quá thời hiệu thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính
⇒ Mức xử phạt vi phạm hành chính áp dụng đối với tổ chức
⇒ Áp dụng biểu mẫu trong cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính
⇒ Tổ chức thực hiện nhiều hành vi vi phạm hành chính hoặc vi phạm hành chính nhiều lần

Bạn có thể tham khảo gợi ý của chúng tôi như sau:
 
Khoản 2 Điều 2 Luật xử lý vi phạm hành chính năm 2012 quy định: “Xử phạt vi phạm hành chính là việc người có thẩm quyền xử phạt áp dụng hình thức xử phạt, biện pháp khắc phục hậu quả đối với cá nhân, tổ chức thực hiện hành vi vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật về xử phạt vi phạm hành chính”.
Khoản 3 Điều 21 Luật xử lý vi phạm hành chính năm 2012 quy định: “Đối với mỗi vi phạm hành chính, cá nhân, tổ chức vi phạm hành chính chỉ bị áp dụng một hình thức xử phạt chính; có thể bị áp dụng một hoặc nhiều hình thức xử phạt bổ sung quy định tại khoản 1 Điều này. Hình thức xử phạt bổ sung chỉ được áp dụng kèm theo hình thức xử phạt chính”.
Như vậy, căn cứ vào các quy định nêu trên, việc xử phạt vi phạm hành chính bao gồm áp dụng các hình thức xử phạt (hình thức xử phạt chính và hình thức xử phạt bổ sung) và áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả nếu các nghị định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý nhà nước có quy định cả hình thức xử phạt và biện pháp khắc phục hậu quả đối với hành vi vi phạm đó.
Liên quan đến việc xác định tái phạm, khoản 5 Điều 2 Luật xử lý vi phạm hành chính năm 2012 quy định: “Tái phạm là việc cá nhân, tổ chức đã bị xử lý vi phạm hành chính nhưng chưa hết thời hạn được coi là chưa bị xử lý vi phạm hành chính, kể từ ngày chấp hành xong quyết định xử phạt, quyết định áp dụng biện pháp xử lý hành chính hoặc kể từ ngày hết thời hiệu thi hành quyết định này mà lại thực hiện hành vi vi phạm hành chính đã bị xử lý”. Theo quy định nêu trên thì “đã bị xử lý vi phạm hành chính” được coi là một trong những tình tiết để xác định các trường hợp tái phạm.
Mặt khác, tại khoản 1 Điều 7 Luật xử lý vi phạm hành chính năm 2012 quy định: “Cá nhân, tổ chức bị xử phạt vi phạm hành chính, nếu trong thời hạn 06 tháng, kể từ ngày chấp hành xong quyết định xử phạt cảnh cáo hoặc 01 năm, kể từ ngày chấp hành xong quyết định xử phạt hành chính khác hoặc từ ngày hết thời hiệu thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính mà không tái phạm thì được coi là chưa bị xử phạt vi phạm hành chính”. Như vậy, theo khoản 1 Điều 7 Luật xử lý vi phạm hành chính năm 2012 thì căn cứ để tính thời hạn, thời hiệu phục vụ cho việc xác định cá nhân, tổ chức được coi là chưa bị xử lý vi phạm hành chính đó là quyết định xử phạt vi phạm hành chính (bao gồm các hình thức xử phạt: hình thức xử phạt chính, hình thức xử phạt bổ sung và áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả nếu có) mà không căn cứ vào quyết định áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả độc lập.
Từ phân tích trên cho thấy, trường hợp trong Nghị định quy định về xử phạt vi phạm hành chính có quy định đầy đủ việc áp dụng cả hình thức xử phạt và biện pháp khắc phục hậu quả, tuy nhiên, vì một số lý do mà người có thẩm quyền xử phạt chỉ ban hành quyết định áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả độc lập theo quy định tại khoản 2 Điều 65 Luật xử lý vi phạm hành chính năm 2012 mà không ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính thì không được xem là đã bị xử phạt vi phạm hành chính để phục vụ cho việc xác định tái phạm.
 
Chúc bạn thành công !

 

Các tin cũ hơn