Xử lý vi phạm hành chính về hành vi sản xuất, mua, bán trái phép đồ chơi nguy hiểm


Bạn Trương Trọng Thiện có hỏi: Nghị định 59/2006/NĐ-CP quy định đồ chơi nguy hiểm, đồ chơi có hại tới giáo dục nhân cách và sức khỏe của trẻ em là hàng hóa cấm kinh doanh. Do vậy, tại điểm d khoản 4 Điều 10 Nghị định số 167/2013/NĐ-CP có quy định xử phạt đối với hành vi sản xuất, mua, bán trái phép đồ chơi nguy hiểm. Tuy nhiên, theo Luật Đầu tư năm 2014 thì đồ chơi có hại tới giáo dục nhân cách và sức khỏe của trẻ em không có trong danh mục hàng hóa, dịch vụ cấm kinh doanh quy định tại phụ lục I của Luật, do đó, không phải là hàng hóa cấm kinh doanh. Vậy, hiện nay, hành vi sản xuất, mua, bán trái phép đồ chơi nguy hiểm có bị xử phạt vi phạm hành chính theo quy định tại điểm d khoản 4 Điều 10 Nghị định số 167/2013/NĐ-CP không?
 
 
Bạn xem thêm bài viết:

⇒ Đối tượng vi phạm hành chính không có mặt tại nơi vi phạm
⇒ Trường hợp quá thời hiệu thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính
⇒ Mức xử phạt vi phạm hành chính áp dụng đối với tổ chức
⇒ Tổ chức thực hiện nhiều hành vi vi phạm hành chính hoặc vi phạm hành chính nhiều lần

Bạn có thể tham khảo gợi ý của chúng tôi:
 
Thứ nhất, Nghị định số 59/2006/NĐ-CP ngày 12 tháng 06 năm 2006 của Chính phủ quy định chi tiết Luật Thương mại về hàng hóa, dịch vụ cấm kinh doanh, hạn chế kinh doanh và kinh doanh có điều kiện (Nghị định 59/2006/NĐ-CP) hiện nay vẫn đang có hiệu lực. Theo Phụ lục 1 về danh mục hàng hóa, dịch vụ cấm kinh doanh ban hành kèm theo Nghị định số 59/2006/NĐ-CP thì đồ chơi nguy hiểm, đồ chơi có hại tới giáo dục nhân cách và sức khỏe của trẻ em hoặc tới an ninh, trật tự, an toàn xã hội (bao gồm các chương trình trò chơi điện tử) là hàng hóa cấm kinh doanh.
Thứ hai, khoản 10 Điều 6 Luật trẻ em năm 2016 (có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 6 năm 2017) quy định một trong những hành vi bị nghiêm cấm là “Sản xuất, sao chép, lưu hành, vận hành, phát tán, sở hữu, vận chuyển, tàng trữ, kinh doanh xuất bản phẩm, đồ chơi, trò chơi và những sản phẩm khác phục vụ đối tượng trẻ em nhưng có nội dung ảnh hưởng đến sự phát triển lành mạnh của trẻ em”. Như vậy, theo quy định tại khoản 10 Điều 6 Luật trẻ em năm 2016 thì hành vi sản xuất, kinh doanh đồ chơi có nội dung ảnh hưởng đến sự phát triển lành mạnh của trẻ em là hành vi bị nghiêm cấm.
Mặc dù tại Điều 6 Luật Đầu tư năm 2014 (được sửa đổi bổ sung theo Luật sửa đổi, bổ sung Điều 6 và Phục lục 4 về danh mục ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện của Luật Đầu tư, có hiệu lực từ ngày ngày 01 tháng 01 năm 2017) không quy định về việc cấm hoạt động đầu tư kinh doanh đối với đồ chơi nguy hiểm, đồ chơi có hại tới giáo dục nhân cách và sức khỏe của trẻ em hoặc tới an ninh, trật tự, an toàn xã hội, tuy nhiên, đây là nhóm hàng hóa thuộc danh mục hàng hóa, dịch vụ cấm kinh doanh và ảnh hưởng đến sự phát triển lành mạnh của trẻ em, do đó, mặt hàng này vẫn bị cấm kinh doanh theo quy định của Luật trẻ em năm 2016 và Nghị định số 59/2006/NĐ-CP.
Thứ ba, tại Nghị định số 167/2013/NĐ-CP của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng cháy và chữa cháy; phòng, chống bạo lực gia đình (Nghị định số 167/2013/NĐ-CP) cũng đã có quy định về việc xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi sản xuất, tàng trữ, mua, bán, vận chuyển trái phép đồ chơi nguy hiểm, cụ thể, phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với hành vi sản xuất, tàng trữ, mua, bán, vận chuyển trái phép đồ chơi nguy hiểm (quy định tại điểm d khoản 4 Điều 10 Nghị định số 167/2013/NĐ-CP). Ngoài ra, hành vi vi phạm này còn bị áp dụng hình thức xử phạt bổ sung tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính theo quy định tại điểm a khoản 8 Điều 10 Nghị định số 167/2013/NĐ-CP.
Như vậy, căn cứ vào các quy định pháp luật nêu trên, hành vi sản xuất, mua, bán trái phép đồ chơi nguy hiểm sẽ bị xử phạt quy định tại điểm d khoản 4 và điểm a khoản 8 Điều 10 Nghị định số 167/2013/NĐ-CP.
 
Chúc bạn thành công !

 

Các tin cũ hơn