Bảo vệ quyền nhân thân của cá nhân


Bạn Nguyễn Minh Thư có hỏi: Mẹ em vay có lãi 1 người 50 triệu đồng và đã trả được 22 triệu đồng. Hiện tại đã quá hạn trả nhưng mẹ không còn khả năng để trả nợ. Người cho vay chửi bới và đánh mẹ em, đăng hình cả gia đình em lên facebook kèm theo những lời lẽ bôi nhọ danh dự, nhân phẩm, uy tín của mẹ em, thậm chí còn in hình ảnh của mẹ em dán khắp nơi. Vậy, cho em hỏi, mẹ em có vi phạm quy định của pháp luật không? Người cho vay có các hành vi trên thì có vi phạm quy định về bảo vệ danh dự, nhân phẩm, uy tín của người khác không? Mẹ em phải làm gì để bảo vệ quyền của mình?
 
 
Bạn xem thêm bài viết:

⇒ Có được thi hành án tài sản của công ty để trả nợ cho cá nhân chủ sở hữu không?

Bạn có thể tham khảo câu trả lời sau:
 
1. Điều 466 Bộ luật dân sự năm 2015 quy định về nghĩa vụ trả nợ của bên vay như sau:
1. Bên vay tài sản là tiền thì phải trả đủ tiền khi đến hạn; nếu tài sản là vật thì phải trả vật cùng loại đúng số lượng, chất lượng, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.
2. Trường hợp bên vay không thể trả vật thì có thể trả bằng tiền theo trị giá của vật đã vay tại địa điểm và thời điểm trả nợ, nếu được bên cho vay đồng ý.
3. Địa điểm trả nợ là nơi cư trú hoặc nơi đặt trụ sở của bên cho vay, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.
4. Trường hợp vay không có lãi mà khi đến hạn bên vay không trả nợ hoặc trả không đầy đủ thì bên cho vay có quyền yêu cầu trả tiền lãi với mức lãi suất theo quy định tại khoản 2 Điều 468 của Bộ luật này trên số tiền chậm trả tương ứng với thời gian chậm trả, trừ trường hợp có thỏa thuận khác hoặc luật có quy định khác.
5. Trường hợp vay có lãi mà khi đến hạn bên vay không trả hoặc trả không đầy đủ thì bên vay phải trả lãi như sau:
a) Lãi trên nợ gốc theo lãi suất thỏa thuận trong hợp đồng tương ứng với thời hạn vay mà đến hạn chưa trả; trường hợp chậm trả thì còn phải trả lãi theo mức lãi suất quy định tại khoản 2 Điều 468 của Bộ luật này;
b) Lãi trên nợ gốc quá hạn chưa trả bằng 150% lãi suất vay theo hợp đồng tương ứng với thời gian chậm trả, trừ trường hợp có thỏa thuận khác”.
Căn cứ vào quy định trên, khi đã đến hạn trả tiền mà mẹ bạn (bên vay) không trả đủ tiền theo thỏa thuận với bên cho vay, như vậy, mẹ bạn đã vi phạm về nghĩa vụ trả nợ của bên vay. Đối với trường hợp này, mẹ bạn phải trả thêm khoản lãi theo đúng quy định tại khoản 5 Điều 466 Bộ luật dân sự năm 2015.
2. Đối với quyền của cá nhân đối với hình ảnh, Điều 32 Bộ luật dân sự năm 2015 quy định:  
“1. Cá nhân có quyền đối với hình ảnh của mình.
Việc sử dụng hình ảnh của cá nhân phải được người đó đồng ý.
Việc sử dụng hình ảnh của người khác vì mục đích thương mại thì phải trả thù lao cho người có hình ảnh, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác.
2. Việc sử dụng hình ảnh trong trường hợp sau đây không cần có sự đồng ý của người có hình ảnh hoặc người đại diện theo pháp luật của họ:
a) Hình ảnh được sử dụng vì lợi ích quốc gia, dân tộc, lợi ích công cộng;
b) Hình ảnh được sử dụng từ các hoạt động công cộng, bao gồm hội nghị, hội thảo, hoạt động thi đấu thể thao, biểu diễn nghệ thuật và hoạt động công cộng khác mà không làm tổn hại đến danh dự, nhân phẩm, uy tín của người có hình ảnh”.
Đối với quyền được bảo đảm an toàn về sức khỏe, thân thể, theo quy định tại khoản 1 Điều 32 Bộ luật dân sự năm 2015 thì cá nhân có quyền bất khả xâm phạm về thân thể, quyền được pháp luật bảo hộ về sức khỏe.
Đối với quyền được bảo vệ danh dự, nhân phẩm, uy tín, Điều 34 Bộ luật dân sự năm 2015 quy định:
1. Danh dự, nhân phẩm, uy tín của cá nhân là bất khả xâm phạm và được pháp luật bảo vệ.
……….
3. Thông tin ảnh hưởng xấu đến danh dự, nhân phẩm, uy tín của cá nhân được đăng tải trên phương tiện thông tin đại chúng nào thì phải được gỡ bỏ, cải chính bằng chính phương tiện thông tin đại chúng đó”.
Như vậy, căn cứ vào các quy định nêu trên, việc người cho vay có các hành vi như đăng hình gia đình bạn lên facebook kèm theo những lời lẽ bôi nhọ danh dự, nhân phẩm, uy tín; in hình ảnh của mẹ bạn và dán khắp nơi; chửi bới, đánh đập mẹ bạn… là xâm phạm đến quyền của cá nhân đối với hình ảnh, quyền được bảo đảm an toàn về sức khỏe, thân thể và quyền được bảo vệ danh dự, nhân phẩm, uy tín của mẹ bạn.
3. Điều 11 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định: “Khi quyền dân sự của cá nhân, pháp nhân bị xâm phạm thì chủ thể đó có quyền tự bảo vệ theo quy định của Bộ luật này, luật khác có liên quan…”.
Mặt khác, khoản 3 Điều 32 Bộ luật dân sự năm 2015 quy định: “Việc sử dụng hình ảnh mà vi phạm quy định tại Điều này thì người có hình ảnh có quyền yêu cầu Tòa án ra quyết định buộc người vi phạm, cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan phải thu hồi, tiêu hủy, chấm dứt việc sử dụng hình ảnh, bồi thường thiệt hại và áp dụng các biện pháp xử lý khác theo quy định của pháp luật”.
Bên cạnh đó, đối với việc bảo vệ quyền đối với danh dự, nhân phẩm, uy tín, khoản 2 và khoản 5 Điều 34 Bộ luật dân sự năm 2015 quy định: “Cá nhân có quyền yêu cầu Tòa án bác bỏ thông tin làm ảnh hưởng xấu đến danh dự, nhân phẩm, uy tín của mình” và “Cá nhân bị thông tin làm ảnh hưởng xấu đến danh dự, nhân phẩm, uy tín thì ngoài quyền yêu cầu bác bỏ thông tin đó còn có quyền yêu cầu người đưa ra thông tin xin lỗi, cải chính công khai và bồi thường thiệt hại”.
Như vậy, căn cứ vào các quy định nêu trên, khi người cho vay có các hành vi xâm phạm quyền của mẹ bạn thì mẹ bạn có thể thực hiện các quyền tự bảo vệ như: yêu cầu người cho vay chấm dứt hành vi vi phạm, xin lỗi, cải chính công khai, bồi thường thiệt hại (nếu có),…. hoặc  yêu cầu Tòa án ra quyết định buộc người cho vay phải thu hồi, tiêu hủy, chấm dứt việc sử dụng hình ảnh, bồi thường thiệt hại và áp dụng các biện pháp xử lý khác theo quy định của pháp luật, đồng thời, yêu cầu Tòa án bác bỏ thông tin làm ảnh hưởng xấu đến danh dự, nhân phẩm, uy tín của mình.
Ngoài ra, mẹ bạn cũng có thể tố cáo các hành vi vi phạm nói trên của người cho vay với những người có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính được quy định tại Nghị định số 174/2013/NĐ-CP ngày 03/11/2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, công nghệ thông tin và tần số vô tuyến điện, Nghị định số 167/2013/NĐ-CP ngày 12/11/2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng cháy và chữa cháy; phòng, chống bạo lực gia đình… Trên cơ sở đó, người có thẩm quyền xử phạt sẽ tiến hành xử phạt vi phạm hành chính đối với các hành vi vi phạm theo quy định của pháp luật.
 
Chúc bạn thành công !

 

Các tin cũ hơn