Tôi muốn hoãn thi hành án thì gửi đơn đến cơ quan nào?


Bạn Nguyễn Ngọc Đoàn có hỏi: Tôi là người phải thi hành án. Tôi không nhất trí với bản án có hiệu lực pháp luật. Tôi đã nộp đơn đề nghị giám đốc thẩm bản án. Trường hợp Tòa án hủy, sửa bản án của Tòa án cấp dưới mà đã thi hành được một phần hoặc đã thi hành xong làm ảnh hưởng đến quyền, lợi ích hợp pháp của tôi thì việc thi hành án tiếp theo như thế nào? Tôi muốn hoãn thi hành án thì gửi đơn đến cơ quan nào?
 
Bạn xem thêm bài viết:
⇒ Làm thủ tục sang tên xe khi người chuyển quyền sở hữu xe đang thi hành án phạt tù
⇒ Có được thi hành án tài sản của công ty để trả nợ cho cá nhân chủ sở hữu không?
⇒ Quy định về trình tự thủ tục thi hành án theo đơn yêu cầu và khiếu nại về thi hành án dân sự
⇒ Quy định về thi hành nghĩa vụ về trả tài sản mà người phải thi hành án đã chết
 
Bạn có thể tham khảo câu trả lời:
Trường hợp bạn hỏi chúng tôi không có hồ sơ thi hành án, không rõ nội dung vụ việc nên chúng tôi trả lời bạn như sau:
1. Quy định  về thi hành quyết định giám đốc thẩm tuyên hủy hoặc bị sửa bản án, quyết định của tòa án cấp dưới:
Theo khoản 3 Điều 135 và Điều 136 Luật thi hành án dân sự quy định:
- Trường hợp quyết định giám đốc thẩm, tái thẩm tuyên hủy bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật để xét xử sơ thẩm lại hoặc xét xử phúc thẩm lại thì việc thi hành án được thực hiện theo bản án, quyết định sơ thẩm mới có hiệu lực pháp luật hoặc bản án phúc thẩm mới.
- Đối với phần bản án, quyết định của Tòa án hủy, sửa bản án, quyết định của Tòa án cấp dưới mà đã thi hành được một phần hoặc đã thi hành xong thì đương sự có thể thỏa thuận với nhau về việc hoàn trả tài sản, phục hồi lại quyền tài sản.
- Trường hợp tài sản thi hành án là động sản phải đăng ký quyền sở hữu và bất động sản còn nguyên trạng thì cưỡng chế trả lại tài sản đó cho chủ sở hữu.
- Trường hợp tài sản đã được chuyển dịch hợp pháp cho người thứ ba chiếm hữu ngay tình thông qua bán đấu giá hoặc giao dịch với người mà theo bản án, quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền là chủ sở hữu tài sản nhưng sau đó người này không phải là chủ sở hữu tài sản do bản án, quyết định bị hủy, sửa hoặc tài sản thi hành án đã bị thay đổi hiện trạng thì chủ sở hữu tài sản ban đầu không được lấy lại tài sản nhưng được bồi hoàn giá trị của tài sản.
- Trường hợp có yêu cầu về bồi thường thiệt hại thì cơ quan ra bản án, quyết định bị hủy, sửa giải quyết theo quy định của pháp luật.
2. Quy định về người có quyền yêu cầu hoãn thi hành án:
Khoản 2 Điều 48 Luật thi hành án dân sự quy định: Người có thẩm quyền kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm hoặc tái thẩm đối với bản án, quyết định của Tòa án được yêu cầu hoãn thi hành án một lần để xem xét kháng nghị nhằm tránh hậu quả không thể khắc phục được.
Tại Điều 331 và Điều 354 của Bộ Luật tố tụng dân sự năm 2015 quy định người có thẩm quyền kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm hoặc tái thẩm đối với bản án, quyết định của Tòa án như sau:
- Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao có thẩm quyền kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm (tái thẩm) bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của Tòa án nhân dân cấp cao; bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật của Tòa án khác khi xét thấy cần thiết.
- Chánh án Tòa án nhân dân cấp cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân cấp cao có quyền kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm (tái thẩm) bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của Tòa án nhân dân cấp tỉnh, Tòa án nhân dân cấp huyện trong phạm vi thẩm quyền theo lãnh thổ.
 
Chúc bạn thành công !

Các tin cũ hơn